Bà bầu có được ăn măng không? Ăn măng khi nào và bao nhiêu là tốt nhất?
Măng là một thực phẩm phổ biến đối với ẩm thực Việt Nam, kể cả trong từng bữa cơm gia đình hay dịp quan trọng. Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu lo lắng ăn măng có ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Vậy nên trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng đi tìm câu trả lời cho thắc mắc bà bầu có được ăn măng không và cần chú ý những gì.
Mục lục
Bà bầu có được ăn măng không?
Măng là một thực phẩm quen thuộc tại nhiều nước ở Châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Từ nguyên liệu đó, chúng ta có thể chế biến thành những món ăn khác nhau với vị ngon và đặc trưng vùng miền cùng nhiều cách biến tấu.
Măng có chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho cơ thể, đặc biệt là nguồn chất xơ dồi dào, tốt cho hệ tiêu hóa nếu ăn với lượng vừa phải. Tuy nhiên, măng cũng có thể gây co thắt tử cung, kích thích chuyển dạ nếu ăn với lượng nhiều.
Vậy câu hỏi được đặt ra đó là “Bà bầu có ăn được măng không?”. Các chuyên gia khuyên rằng bà bầu hoàn toàn có thể ăn măng trong thai kỳ, bao gồm cả măng tươi và măng khô nhưng chỉ nên ăn mỗi bữa tối đa 200g và với tần suất 1-2 bữa măng trong một tuần.
Thời điểm nào bà bầu được ăn măng thoải mái?
Bà bầu không nên ăn măng trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ. Vì đây là giai đoạn nhạy cảm mà bà bầu trải qua với những thay đổi về nội tiết trong cơ thể cần phải thích nghi. Việc ăn nhiều măng trong giai đoạn này sẽ làm cho bà mẹ cảm thấy đầy bụng, khó tiêu.
Để đảm bảo cho sức khỏe của cả bà mẹ và thai nhi, bà bầu nên hạn chế ăn măng trong khoảng thời gian trên. Sau đó, bà bầu có thể ăn măng thoải mái nhưng cần tuân thủ những lưu ý trong bài viết.
Cân nhắc lợi ích và rủi ro khi ăn măng cho bà bầu
Một số lợi ích với sức khỏe khi bà bầu ăn măng
- Tăng sức đề kháng, hỗ trợ các vấn đề hô hấp: Măng có nhiều vitamin A, vitamin E nên có tính kháng khuẩn cao. Do đó, việc bổ sung măng vào thực đơn cho mẹ bầu vào thời điểm giao mùa giúp hạn chế tình trạng cảm cúm, cảm lạnh với hiệu quả tốt nhất.
- Tốt cho sức khỏe tim mạch: Măng có thành phần dinh dưỡng selen và kali tốt cho sức khỏe tim mạch. Không những thế, măng còn chứa nhiều chất xơ, ít năng lượng và chất béo giúp kiểm soát cholesterol xấu, giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
- Hỗ trợ chức năng của hệ tiêu hóa: Thường thì phụ nữ có thai hay gặp phải tình trạng táo bón. Vì vậy, việc bổ sung rau củ quả trong chế độ ăn luôn đóng vai trò quan trọng. Măng là một thực phẩm giàu chất xơ, do đó hỗ trợ táo bón rất tốt, đồng thời cải thiện chức năng bộ máy tiêu hóa.
- Duy trì cân nặng hợp lý, kiểm soát cảm giác đói: Măng cung cấp nguồn chất xơ dồi dào, ít chất béo và năng lượng thấp nên giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả, hạn chế cảm giác đói. Bạn có thể ăn măng ngay đầu bữa ăn để có cảm giác no lâu hơn.
- Phòng chống bệnh ung thư: Măng giàu chất chống oxy hóa giúp loại bỏ các gốc tự do, ức chế sự tăng trưởng và phát triển của khối u. Do đó, măng có tác dụng giúp ngăn ngừa một số bệnh ung thư.
Rủi ro tiềm tàng bà bầu cần cân nhắc khi ăn măng
- Gây buồn nôn, đau đầu, hạ huyết áp, nặng hơn có thể gây co giật, liệt hô hấp: do độc tố glucozit trong măng dễ gây ngộ độc cho người ăn nếu không sơ chế đúng cách. Độc tố này có thể loại bỏ bớt bằng cách nấu chín và không dùng nước luộc. Cụ thể, khi nấu chín, lượng glucozit trong măng sẽ giảm đi rất nhiều, từ 32-38mg xuống còn 2.7mg trong 100g măng tươi và trong nước luộc măng thì chỉ có khoảng 10mg glucozit.
- Gây co thắt tử cung: Măng có thể gây co thắt tử cung, kích thích chuyển dạ nếu ăn với số lượng nhiều và dùng trong thời gian dài, đặc biệt là 3 tháng đầu thai kỳ.
- Gây tình trạng thiếu máu thiếu sắt: Lượng axit cyanhydric cao trong măng (khoảng 230mg/1kg măng) làm bất hoạt enzyme chuyển hóa sắt, do đó gây ra tình trạng thiếu máu thiếu sắt.
- Gây đầy bụng, khó tiêu: Mẹ bầu ăn măng trong giai đoạn đầu của thai kỳ dễ bị đầy bụng, khó tiêu do cơ thể có những thay đổi về nội tiết mà chưa kịp thích nghi.
Ăn măng khi mang thai: Bà bầu cần lưu ý những gì?
Bên cạnh thắc mắc bà bầu có được ăn măng không, thì việc ăn măng cần lưu ý những gì cũng vô cùng quan trọng. Để có được những lợi ích tối đa từ việc ăn măng mà vẫn an toàn với sức khỏe, mẹ bầu cần tham khảo những điều dưới đây. Cụ thể là:
- Ăn măng đúng thời điểm: Bà bầu 3 tháng đầu có thay đổi lớn về nội tiết chưa kịp thích nghi, do đó không nên ăn măng vào thời điểm này vì có thể sẽ gây những ảnh hưởng không tốt đến mẹ bầu và thai nhi.
- Ăn măng đúng lượng: Thành phần chất xơ trong măng rất tốt, tuy nhiên ăn với lượng lớn dễ gây tắc ruột. Vì vậy, bà bầu chỉ nên ăn măng 1-2 bữa mỗi tuần và tối đa 200g mỗi bữa.
- Ăn măng đã nấu chín kỹ, bỏ không uống nước luộc măng: Khi ăn măng, bà bầu nên rửa măng với nước nhiều lần, luộc kỹ và bỏ nước luộc, nấu chín măng để hạn chế các thành phần độc tố có trong măng.
- Không nên ăn măng ngâm giấm hoặc măng muối xổi: Các loại măng ngâm chưa chua, chưa vàng tuy có hương vị thơm ngon nhưng lại mang độc tố cao hơn, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe nên càng khuyến cáo bà bầu không nên ăn.
- Không ăn măng nếu bà bầu đang gặp các vấn đề về sức khỏe như tiêu hóa, sỏi thận, sỏi mật, tim mạch cùng các bệnh lý khác.
- Ăn chậm và nhai kỹ: Khi ăn măng, bà bầu cần nhớ nguyên tắc ăn chậm nhai kỹ để cơ thể dễ tiêu hóa chất xơ trong măng hơn, giảm nguy cơ đầy bụng sau khi ăn.
Bà bầu có được ăn măng không? Cách chế biến an toàn nhất
- Đầu tiên, các mẹ bầu cần chọn mua măng tươi, có mùi thơm, vỏ măng trơn, không có đốm, không héo, tránh các loại măng sơ chế sẵn có màu trắng tinh hoặc hơi ngả vàng vì đã được xử lý qua hóa chất. Điều này giúp đảm bảo được nguồn măng an toàn, yếu tố vệ sinh và giảm bớt nguy cơ nhiễm các độc tố.
- Tiếp theo, mẹ bầu nên loại bỏ bớt độc chất trong măng bằng cách lột bỏ lớp vỏ ngoài, cắt măng thành miếng nhỏ rồi ngâm qua đêm với nước. Sau khi ngâm qua đêm, mẹ bầu sẽ tiến hành rửa sạch và luộc chín măng với nhiều lần nước. Khi luộc măng, các mẹ lưu ý nên mở nắp vung để độc chất có thể bay hơi bớt đi. Sau khi luộc xong, các mẹ cần ngâm rồi rửa măng một lần nữa, sau đó mới tiếp tục chế biến.
- Còn với măng khô, mẹ bầu cũng làm tương tự ngâm tối thiểu 6 tiếng rồi rửa sạch và luộc chín. Sau đó, rửa lại với nước sạch đến khi nước măng hết đục.
- Cuối cùng, sau khi đã lựa chọn và sơ chế măng đúng cách, bạn hãy tham khảo những món ăn ngon chế biến từ măng vô cùng hấp dẫn như: chân giò hầm măng tươi, gỏi măng tươi tôm thịt, thịt bò xào măng tươi, canh măng mực, canh măng nấu xương, ếch xào măng tươi …
Như vậy, bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi “bầu có được ăn măng không?”. Phụ nữ mang thai có thể ăn măng để bổ sung chất dinh dưỡng tốt và đa dạng món trong thực đơn hàng ngày nhưng cần lưu ý cách sơ chế, chế biến và ăn đúng cách để đảm bảo sức khỏe cho cả bà mẹ và thai nhi. Chúc các mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh và theo dõi những bài viết tiếp theo của chúng tôi.