80

Chỉ số nước ối trong siêu âm? Những lưu ý bất thường cần theo dõi

Phạm Thị Huế 15/01/2024
Bằng cấp chuyên môn

Chuyên gia dinh dưỡng

Trường Đại học Y Hà Nội – Chuyên khoa Dinh dưỡng

Chỉ số nước ối trong siêu âm là một phần thiết yếu trong khảo sát siêu âm sản khoa. Trong đó, hai kỹ thuật được áp dụng nhiều nhất để đánh giá nước ối là kỹ thuật đo khoang ối và kỹ thuật đo chỉ số ối. Chỉ số nước ối phản ánh tình trạng phát triển của thai nhi.

Theo đó, các bác sĩ biết được thai nhi có mạnh khỏe hay không và cần phải lưu ý những gì. Nói cách khác, chỉ số nước ối giúp biết được những bất thường có thể xảy ra trong thai kỳ và những điều cần theo dõi. Để hiểu rõ hơn về các chỉ số này, hãy cùng theo dõi thông tin trong bài viết sau.

Khái niệm về nước ối

Nước ối là chất lỏng trong suốt xuất hiện từ ngày thứ 12 trong chu trình thai kỳ. Đây là một môi trường giàu dinh dưỡng, có khả năng tái tạo và trao đổi chất. Nước ối giữ nhiều vai trò quan trọng đối với sự sống và phát triển của thai nhi khi còn nằm trong bụng mẹ.

Thai nhi nằm trong tử cung của mẹ, phát triển trong túi ối và được bao quanh bởi nước ối. Trong nước ối có các thành phần quan trọng như: chất dinh dưỡng, hormone, kháng thể. Khi thai nhi được 34 tuần, lượng nước ối trong bụng mẹ ở mức 800ml (cao nhất 1000ml).

Sau tuần 36, lượng nước ối giảm dần chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ. Lượng nước ối quá nhiều hoặc ít sẽ gây ra những vấn đề sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. Vì vậy cần theo dõi chỉ số nước ối định kỳ trong những lần khám thai để can thiệp khi cần thiết.

Nước ối bao bọc thai nhi
Nước ối là chất lỏng trong suốt bao bọc thai nhi

Chức năng nước ối

Trong quá trình phát triển của thai nhi, nước ối đóng một vai trò rất quan trọng. Các chức năng của nước ối trong quá trình thai nhi phát triển chịu trách nhiệm như sau:

  • Bảo vệ thai nhi: chất lỏng như đệm bảo vệ giúp em bé tránh khỏi áp lực bên ngoài. Chất lỏng này hoạt động như một chất hấp thụ sốc bảo vệ và che chở cho thai nhi.
  • Kiểm soát nhiệt độ: nước ối ngăn cách nhiệt độ, giữ ấm và duy trì nhiệt độ ổn định bên trong cho thai nhi.
  • Kiểm soát nhiễm trùng: trong nước ối có chứa kháng thể và các chất cần thiết khác. Kháng thể giúp bảo vệ tốt thai nhi, tạo môi trường vô khuẩn trong suốt thai kỳ.
  • Phát triển hệ thống phổi và tiêu hóa: từ tuần 34 của thai kỳ, thai nhi sẽ hấp thụ lượng nước ối khoảng 300-500ml mỗi ngày. Thai nhi thở và nuốt nước ối để hấp thụ lượng nước cần thiết.
  • Phát triển cơ bắp và xương: thai nhi có thể tự do chuyển động trong môi trường nước ối. Việc này tạo điều kiện phát triển cơ bắp và xương đúng cách cho thai nhi.
  • Hỗ trợ dây rốn: dây rốn vận chuyển thức ăn và oxi từ nhau thai đến thai nhi giúp thai phát triển. Nước ối có chức năng ngăn không cho dây rốn bị nén.

Nước ối cũng hỗ trợ cho quá trình sinh nở của người mẹ. Sau khi vỡ ối, tính nhờn của nước ối giúp bôi trơn đường sinh dục, hỗ trợ sinh dễ hơn.

Các chức năng của nước ối
Các chức năng của nước ối

Chỉ số nước ối theo tuần thai

Chỉ số nước ối (chỉ số AFI – Amniotic Fluid Index) là thông số về thể tích nước ối trong cơ thể mẹ theo từng giai đoạn phát triển của thai nhi. Chỉ số này được đo định kỳ theo chu kỳ thăm khám của thai phụ. Dựa theo màu sắc, tỷ trọng và chỉ số nước ối tính theo mm mà bác sĩ đánh giá tình trạng phát triển của thai nhi.

Chỉ số nước ối
Các chỉ số nước ối trong thai kỳ

Thông thường, chỉ số nước ối theo tuần thai thường là:

  • Chỉ số nước ối thai 20 tuần trở đi: thai bình thường là 350ml, tăng lên 670ml ở tuần thứ 25-26 thai kỳ.
  • Chỉ số nước ối thai 32-36 tuần: rơi vào khoảng 800ml hoặc cao hơn.
  • Chỉ số nước ối thai 40-42 tuần: khoảng 540-600ml.
Thai nhi ở tuần thứ 22 của thai kỳ
Thai nhi ở tuần thứ 22 của thai kỳ

Bên cạnh đó, thai 34 tuần nước ối nằm trong khoảng 60-120mm là đủ. Thai 35 tuần nước ối dao động từ 300-800mm là đủ. Thai 38 tuần nước ối khoảng 600ml là đủ.

Theo dõi chỉ số AFI là gì?

Theo dõi chỉ số nước ối (AFI) là cách để xác định lượng nước ối trong bụng người mẹ có ở mức bình thường hay không. Chỉ số này được đo qua siêu âm lúc sản phụ thăm khám thai kỳ. Đây cũng là căn cứ để bác sĩ đánh giá tình trạng nước ối của sản phụ và đưa ra các lời khuyên phù hợp.

Thế nào là chỉ số nước ối bình thường

Mỗi bà bầu sẽ có số nước ối khác nhau. Tùy vào thời gian mang thai và số lượng nước được nạp vào cơ thể mỗi ngày mà lượng nước ối sẽ ít hay nhiều. Để thai nhi phát triển bình thường, mẹ cần duy trì cho con lượng ối ổn định.

Thông thường, khi thai càng lớn thì lượng nước ối cũng tăng. Đến giai đoạn cuối của thai kỳ, nước ối sẽ giảm. Chỉ số nước ối bình thường của thai kỳ thay đổi tùy theo giai đoạn: thai 8-12 tuần khoảng 50ml, thai 28 tuần khoảng 1000ml, thai 36 tuần khoảng 900ml và thai 40 tuần khoảng 600-800ml. Có trường hợp người mẹ có lượng nước ối không tương xứng với tuổi thai: thai nhi còn nhỏ nhưng lượng ối lớn, ở các tuần cuối thai lượng ối lại quá ít. Các chỉ số bất thường này có khả năng ảnh hưởng đến quá trình sinh nở của người mẹ, ảnh hưởng đến cả thai nhi.

Nhận biết chỉ số nước ối bình thường
Nhận biết chỉ số nước ối bình thường

Ý nghĩa các chỉ số AFI

Đối với thai kỳ, nước ối đóng vai trò quan trọng tương đương với lá nhau, dây rốn, tử cung trong nuôi dưỡng và bảo vệ thai nhi. Chỉ số nước ối AFI giúp bác sĩ dự báo được sức khỏe và tình trạng phát triển của em bé nằm trong bụng mẹ. Việc siêu âm đo chỉ số nước ối phải được đánh giá ít nhất 2 lần liên tục, cách nhau 2-6 giờ để xác định được tình trạng: bình thường, thiếu ối hay thừa ối.

Bác sĩ siêu âm sẽ chia buồng tử cung làm 4 phần. Đường này được xác định tại hai đường cắt nhau tại phần rốn của mẹ bầu. Bước tiếp theo sẽ tiến hành đo độ sâu của khoang chứa nước ối lớn nhất. Sau đó sẽ tính tổng các số đo trên. Từ kết quả này sẽ tính được sự phát triển của thai nhi căn cứ theo chỉ số nước ối. Một vài số liệu mẹ bầu có thể tham khảo như sau:

  • 60 – 180 (mm): Chỉ số nước ối bình thường.
  • 120 – 250 (mm): Được chẩn đoán dư ối nhưng vẫn trong mức an toàn.
  • > 250 (mm): Tình trạng đa ối với nguy cơ nhau bong non hoặc băng huyết.
  • <= 50 (mm): Được chẩn đoán thiếu ối. Điều này khiến thai nhi chậm phát triển.
  • <= 30 (mm): Tình trạng nguy hiểm của vô ối. Thai nhi chết lưu hoặc sinh non.
Theo dõi chỉ số bằng siêu âm
Theo dõi chỉ số bằng siêu âm

Thiếu ối hoặc dư ối có nguy hiểm?

Chỉ số nước ối đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thai nhi. Trường hợp lượng nước ối trong bụng mẹ quá nhiều hoặc quá ít gọi là thừa ối hoặc thiếu ối. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người mẹ và cho cả thai nhi: gây thiểu sản phổi, khoèo chi, chèn ép dây rốn,…Thiếu ối hoặc thừa ối sẽ khiến tử cung của người mẹ bị giảm sút lượng máu nuôi thai nhi. Quá trình này nếu kéo dài quá lâu sẽ dẫn đến thai suy dinh dưỡng, kém phát triển. Nghiêm trọng hơn, thai sẽ chết lưu trong tử cung hoặc chết trong lúc chuyển dạ người mẹ.

Thế nào là thiếu ối

Thiếu ối (Oligohydramnios) là tình trạng nước ối ít hơn so với mức sinh lý bình thường. Chỉ số nước ối có thể được đo thông qua các phương pháp: đánh giá chỉ số nước ối (AFI), đo độ sâu túi ối,…Nếu AFI dưới 5cm, thể tích nước ối nhỏ hơn 500ml ở tuần thai 32-36, độ sâu không đạt 2-3cm thì được chẩn đoán là thiếu ối. Thiếu ối có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào, nhưng chủ yếu là ở 3 tháng cuối thai kỳ. Có khoảng 4% phụ nữ mang thai bị thiếu ối. Những thai phụ sinh muộn, thai nhi trên 40 tuần tuổi cũng dễ bị thiếu ối.

Mẹ bầu có thể nhận biết tình trạng thiếu ối khi thấy chu vi vòng bụng tăng chậm hoặc không tương đương với tuổi thai. Thai cử động yếu hoặc giảm cử động cũng là một dấu hiệu. Bác sĩ chẩn đoán thiếu ối thông qua siêu âm.

Thiếu nước ối gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi
Thiếu nước ối gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi

Dư ối chỉ số là bao nhiêu?

Dư ối (Polyhydramnios) là hiện tượng tích tụ dư thừa nước ối vượt quá mức bình thường. Dư ối là một trường hợp thai nghén nguy cơ cao cho sản phụ, có thể dẫn đến sinh non.

Thông thường, lượng nước ối sẽ đạt ngưỡng 1000ml ở tuần thứ 37 thai kỳ, sau đó giảm xuống 500-600mn ở tuần 40. Em bé nuốt nước ối và thải ra ở dạng nước tiểu. Khi sự cân bằng nước ối bị xáo trộn, thể tích nước ối sẽ tăng nhanh khiến mẹ bầu bị khó chịu. Khi lượng nước ối trên 2000ml, bụng có kích thước to so với tuổi thai, chỉ số nước ối 12-25cm thì được chẩn đoán là dư ối. Trường hợp chỉ số AFI lớn hơn 25cm gọi là đa ối.

Dư ối, đa ối có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi
Dư ối, đa ối có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi

Làm gì khi được chẩn đoán thiếu ối hoặc đa ối

Nếu có những dấu hiệu và được bác sĩ chẩn đoán là thiếu hoặc dư ối, thai phụ cần có những biện pháp kịp thời để đem mức ối trở về bình thường. Có những nguyên nhân gì gây ra tình trạng trên, và điều trị như thế nào. Làm theo hướng dẫn của bác sĩ là biện pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề thiếu hoặc dư ối.

Những nguyên nhân

Nước ối được tạo thành từ 3 nguồn là cơ thể mẹ, thai nhi và màng ối. Tình trạng thiếu ối hoặc dư ối xảy ra đều xuất phát từ các nguồn trên, trong đó các nguyên nhân chính thường là:

Đối với thiếu ối:

  • Nguyên nhân từ mẹ: bệnh nền (về gan, thận, huyết áp,…), sử dụng các loại thuốc ức chế hoặc thuốc chống viêm trong lúc mang thai, chế độ ăn uống không phù hợp, uống ít nước, chế độ nghỉ ngơi không hợp lý,…
  • Nguyên nhân từ thai nhi: thai chậm phát triển, thai dị tật bẩm sinh, nhiễm trùng bào thai,…
  • Nguyên nhân từ các phần phụ của thai (nhau thai, dây rốn,…): song thai, đa thai, không rõ nguyên nhân,…các trường hợp này nên được kiểm tra và điều trị bởi chuyên gia y tế.

Đối với dư ối:

  • Nguyên nhân từ mẹ: mắc bệnh tiểu đường, kháng thể kháng Rh và các bệnh tán huyết thứ phát, loạn dưỡng tăng trương lực cơ,…
  • Nguyên nhân từ thai nhi: bất thường hệ thống thần kinh thai nhi (vô sọ, khuyết tật ống nơron thần kinh,…), khuyết tật tiêu hóa (tắc ống thực quản, ống tiêu hóa), nhiễm sắc thể bất thường,…
  • Nguyên nhân khác: u mạch máu màng đệm, viêm nội mạc tử cung,…

Biện pháp can thiệp

Để duy trì chỉ số nước ối ổn định trong suốt thai kỳ, không thiếu ối hoặc dư ối, cần có những biện pháp can thiệp phù hợp trong quá trình mang thai.

  • Mẹ bầu cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp, ăn đủ thực phẩm và đa dạng các chất.
  • Chế độ nghỉ ngơi hợp lý cũng là một yếu tố quan trọng tiếp theo. Vận động nhẹ nhàng, tránh việc nặng và không thụ động.
  • Uống đủ nước để cung cấp lượng nước vừa đủ cho thai nhi. Uống quá ít nước sẽ dẫn đến thiếu ối và ngược lại.
  • Khám thai đều đặn và kiểm tra chỉ số nước ối theo tuổi thai để phát hiện kịp thời các bất thường.
  • Xác định nguyên nhân thiếu/dư ối để kịp thời điều trị.
Uống đủ nước giúp hạn chế tình trạng thiếu/dư ối
Uống đủ nước giúp hạn chế tình trạng thiếu/dư ối

Trong ba tháng cuối thai kỳ, việc thiếu hay dư ối sẽ gây ảnh hưởng đến việc sinh nở của thai phụ. Vì thế các biện pháp này giúp đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, hỗ trợ quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi.

Lời kết

Trên đây là các thông tin quan trọng về nước ối mà mẹ bầu nào cũng cần nắm để theo dõi trong thai kỳ. Chỉ số nước ối ổn định thì thai mới khỏe mạnh và phát triển tốt. Tăng hay giảm lượng nước ối trong bụng mẹ sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển thai nhi. Nghiêm trọng hơn, nó còn gây hại đến sự tồn tại của em bé. Đặc biệt, nước ối còn góp phần giúp quá trình sinh nở của mẹ bầu diễn ra được thuận lợi, là một vấn đề cần được quan tâm và chú trọng trong thai kỳ.

Rate this post
Chuyên viên tư vấn Dinh dưỡng Phạm Thị Huế đã có hơn 4 năm kinh nghiệm tư vấn online - offline; theo dõi dinh dưỡng - sức khỏe - thực phẩm cho mẹ và bé.

Phạm Thị Huế