Nhau bám thấp là gì? Dấu hiệu, Nguyên nhân và Cách khắc phục
Nhau bám thấp là một bất thường về vị trí bám dính của nhau thai vào thành tử cung. Nếu đi khám và nhận được chẩn đoán nhau thai bám thấp, mẹ bầu thường sẽ lo lắng trong suốt thai kỳ của mình. Hãy cùng tìm hiểu nhau bám thấp là sao và nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng ngừa, điều trị cho hiện tượng này.
Mục lục
Thế nào là hiện tượng nhau bám thấp?
Nhau thai là cơ quan kết nối bào thai đang phát triển với thành tử cung của người mẹ, có vai trò cung cấp dưỡng chất cần thiết cho thai nhi qua máu của mẹ. Nhau thai thường sẽ bám ở mặt trước, mặt sau hoặc đáy tử cung.
Nhau bám thấp là tình trạng bánh nhau bám vào đoạn dưới tử cung, gần cổ tử cung. Điều này có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé vì nhau thai nằm sát cổ tử cung nên dễ bóc tách khỏi niêm mạc tử cung, dẫn đến tình trạng xuất huyết.
Những dạng nhau bám thấp thường gặp
Dựa vào vị trí bám của nhau thai, khoảng cách từ bánh rau đến cổ tử cung mà hiện tượng nhau bám thấp được chia thành 2 nhóm chính:
Nhau bám thấp mặt trước
Tình trạng nhau bám thấp mặt trước hay rau bám thấp mặt trước được chia thành 3 nhóm nhỏ như sau:
- Nhau thai trước nhóm 1: Là tình trạng phần nhau thai bám ở đáy tử cung.
- Nhau thai trước nhóm 2: Là tình trạng phần nhau thai bám ở bờ dưới nhau, qua nửa dưới thân tử cung.
- Nhau bám thấp mặt trước nhóm 3: Tình trạng này còn được biết đến với tên gọi nhau tiền đạo, bánh nhau sẽ che lấp một phần hoặc toàn bộ lỗ trong cổ tử cung. Thường ở bào thai trên 20 tuần mới có thể xác định được chính xác tình trạng này.
Nhau bám thấp mặt sau
Tình trạng nhau bám thấp mặt sau hay còn được biết đến với tên gọi nhau bám thấp mặt sau nhóm 2 là tình trạngbờ trên của bánh nhau đã vượt lên trên ½ thân của tử cung hoặc ở ngang thân.
Khi gặp phải tình trạng rau bám thấp mặt sau, mẹ bầu sẽ cần đặt biệt lưu ý và theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên hơn.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nhau bám thấp
Cho đến thời điểm hiện tại, người ta vẫn chưa thể tìm ra lý do chính xác vì sao nhau thai bám thấp. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia, nguyên nhân nhau bám thấp có thể do sự thiếu hụt dinh dưỡng ở mặt đáy của tử cung, bánh nhau buộc phải mở rộng diện tích bám trụ nên tình trạng này mới diễn ra.
Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh như:
- Phụ nữ mang thai ở độ tuổi ngoài 35.
- Phụ nữ từng sinh mổ hoặc điều trị u xơ tử cung, mổ tạo hình tử cung,…gây ra những vết mổ ở tử cung.
- Tử cung hoặc cổ tử cung của người mẹ có dấu hiệu viêm nhiễm nặng.
- Phụ nữ mang đa thai hoặc từng có tiền sử sảy thai, nạo phá thai.
- Phụ nữ từng nhiều lần mang thai và sinh nở.
- Mẹ bầu có thói quen sử dụng nhiều cafein, hút thuốc lá.
- Phụ nữ đã từng bị nhau bám thấp ở lần mang thai trước.
Những triệu chứng nhận biết mẹ bầu đang bị nhau bám thấp
Dấu hiệu nhau thai bám thấp thường thể hiện rõ nhất ở 3 tháng cuối của thai kỳ. Ở giai đoạn này, nếu thai phụ bị ra máu đột ngột ở âm đạo, máu đỏ tươi và đông lại thành cục sau khi xuất huyết, không đau bụng, không rõ nguyên nhân thì hãy đến thăm khám bác sĩ ngay lập tức. Đây có thể là dấu hiệu sớm nhất của tình trạng nhau bám thấp.
Bên cạnh đó, một số những dấu hiệu khác của tình trạng nhau thai bám thấp mà các mẹ bầu cần để tâm đến đó là:
- Đau dữ dội vùng bụng dưới, tử cung bị nhói, co thắt.
- Sau khi vợ chồng quan hệ thì có tình trạng xuất huyết.
- Đi lại nhiều, làm việc nặng,…đều xảy ra tình trạng xuất huyết.
- Thường xuyên cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi và chán ăn.
- Cảm thấy đau ngực, khó thở.
Cách điều trị nhau bám thấp
Ngay khi nhận thấy tình trạng xuất huyết bất thường ở âm đạo, mẹ bầu cần đến bệnh viện, cơ sở y tế có khoa sản gần nhất để được các bác sĩ thăm khám kịp thời. Phụ thuộc vào tình trạng xuất huyết nhiều hay ít, sức khỏe của thai nhi hay vị trí bám của nhau thai mà các bác sĩ sẽ có cách khắc phục nhau thai bám thấp phù hợp
Chảy máu rất ít hoặc không chảy máu
Đối với trường hợp thai phụ có nhau thai bám thấp nhưng chỉ ra máu rất ít hoặc không ra máu, các bác sĩ sẽ đề nghị mẹ bầu nghỉ ngơi tại nhà, hạn chế vận động, chỉ đứng và ngồi khi cần thiết, tuyệt đối không làm việc nặng. Tránh tối đa những tác động lên vùng bụng để hạn chế tình trạng kích thích tử cung.
Bên cạnh đó, cần kiêng quan hệ tình dục và theo dõi tình trạng xuất huyết thường xuyên. Nếu xuất hiện tình trạng ra máu nhiều ở âm đạo thì thai phụ cần đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.
Chảy máu nhiều
Nếu xuất hiện tình trạng chảy máu nặng, mẹ bầu sẽ được đề nghị nhập viện để theo dõi và chăm sóc kịp thời. Tùy theo lượng máu bị mất, bác sĩ cũng sẽ có những chỉ định truyền máu hoặc dùng thêm thuốc để giữ thai nhi trong tử cung.
Đối với những thai phụ mang thai từ 36 tuần trở lên và tình trạng xuất huyết nặng, bác sĩ sẽ chỉ định chấm dứt thai kỳ sớm. Việc này sẽ giúp đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Nếu trường hợp thai nhi còn quá non nớt, bé có thể sẽ phải tiêm mũi trưởng thành phôi.
Chảy máu không kiểm soát
Với trường hợp này, cách điều trị nhau thai bám thấp tốt nhất mà bác sĩ đưa ra là chấm dứt thai kỳ và mổ khẩn cấp. Trên đây là toàn bộ những chia sẻ về tình trạng nhau bám thấp. Nếu không được theo dõi thường xuyên và có biện pháp điều trị kịp thời, nhau bám thấp có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Để có một thai kỳ an toàn và mạnh khỏe, mẹ bầu cần thăm khám đúng lịch theo chỉ định của bác sĩ.