48

Bà bầu ăn trứng vịt lộn được không? Ăn từ tháng mấy? Ăn bao nhiêu thì tốt?

Phạm Thị Huế 29/01/2024
Bằng cấp chuyên môn

Chuyên gia dinh dưỡng

Trường Đại học Y Hà Nội – Chuyên khoa Dinh dưỡng

Trứng vịt lộn là một thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng, là món ăn được nhiều người ưa chuộng ở Việt Nam. Có nhiều quan niệm dân gian liên quan đến việc bà bầu ăn trứng vịt lộn, có người cho rằng ăn tốt con thông minh, tăng cân tốt, nhưng cũng có người cho rằng em bé dễ mọc nhiều lông, ngứa ngáy. Bà bầu hãy cùng tìm hiểu thông tin trong bài viết dưới đây.

Tìm hiểu giá trị dinh dưỡng của trứng vịt lộn

giá trị dinh dưỡng của trứng vịt lộn
Giá trị dinh dưỡng của trứng vịt lộn

Đầu tiên, trứng vịt lộn là một thực phẩm được sử dụng phổ biến. Theo Đông Y, trứng vịt lộn là món ăn bổ dưỡng, dành cho người cần bổ sung năng lượng. Còn thực tế, theo nghiên cứu về thành phần dinh dưỡng, một quả trứng vịt lộn trung bình cung cấp khoảng 180 kcal, trong đó có 13.6g chất đạm và 12.4g chất béo. Ngoài ra, trứng vịt lộn còn cung cấp nguồn dồi dào canxi, sắt, photpho tốt cho sức khỏe.

Không chỉ vậy, trong trứng vịt lộn còn có chứa vitamin C và vitamin A là hai chất chống oxy hóa, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể mẹ bầu. Nhưng khi ăn quá nhiều trứng vịt lộn lại dễ gây dư thừa vitamin A trong thai kỳ, dễ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi như bệnh vàng da, bong tróc da, hay sự hình thành hệ xương.

Tuy nhiên, trứng vịt lộn cũng có chứa một lượng lớn cholesterol, còn nhiều hơn nhu cầu khuyến nghị hàng ngày. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, huyết áp, tăng cholesterol máu và bệnh thừa cân béo phì không chỉ ở đối tượng mẹ bầu.

Với giá trị dinh dưỡng như đã tìm hiểu, vậy câu hỏi được đặt ra là bà bầu có ăn trứng vịt lộn được không? Chúng ta hãy tiếp tục tìm hiểu câu trả lời ngay dưới đây.

Bà bầu ăn trứng vịt lộn được không?

Bà bầu ăn trứng vịt lộn được không?
Bà bầu ăn trứng vịt lộn được không?

Trứng vịt lộn chứa nguồn dinh dưỡng dồi dào mà giá thành lại rẻ, dễ mua, dễ chế biến. Những quan niệm dân gian mang chiều hướng tích cực và tiêu cực liên quan đến trứng vịt lộn đều chưa có bằng chứng khoa học.

Nếu bà bầu bị mắc tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan, gan nhiễm mỡ, gout, bệnh tim mạch… thì không nên ăn trứng vịt lộn để tránh những nguy cơ không tốt cho sức khỏe đối với thai kỳ.

Ngoài ra, việc ăn quá nhiều trứng vịt lộn ở mẹ bầu trong khi mang thai cũng dễ gây tăng cholesterol máu, tiền đề của bệnh thừa cân béo phì.

Do đó, nếu ăn đúng cách, đủ số lượng thì trứng vịt lộn vẫn là một món ăn bổ dưỡng, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng tốt cho bà bầu và thai nhi.

Tìm hiểu những lợi ích khi bà bầu ăn trứng vịt lộn

  • Phòng tránh thiếu máu do thiếu sắt ở mẹ bầu:

Phụ nữ mang thai cần nhu cầu sắt nhiều hơn so với bình thường để cung cấp tạo máu cho thai nhi. Hàm lượng sắt trong trứng vịt lộn còn nhiều hơn trứng gà, nên đó là nguồn cung cấp sắt rất tốt cho mẹ trong thai kỳ, ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt cho mẹ bầu rất hiệu quả.

  • Giúp hỗ trợ thai nhi hình thành và phát triển tốt:
trứng vịt lộn giúp thai nhi phát triển tốt
Giúp hỗ trợ thai nhi hình thành và phát triển tốt

Trứng vịt lộn chứa hàm lượng dồi dào vitamin A, cần thiết cho sự hình thành các cơ quan của thai nhi như tim, gan, phổi, mắt…

Mẹ bầu ăn trứng vịt lộn cũng giúp thai nhi tăng cân nhanh do bổ sung canxi. Canxi đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ xương của thai nhi, tránh tình trạng còi xương hay bé chậm phát triển. Do đó, trứng vịt lộn giúp cung cấp chất dinh dưỡng giúp hỗ trợ sự phát triển cho thai nhi.

  • Ngăn ngừa tình trạng thiếu canxi ở mẹ bầu:

Nguồn canxi trong trứng vịt lộn cũng hỗ trợ cung cấp canxi, giúp mẹ bầu tránh khỏi tình trạng thiếu canxi, loãng xương gây tình trạng chuột rút, đau lưng, đau nhức chân, đau xương, khó chịu ở thai kỳ nhất là trong những tháng cuối.

  • Hỗ trợ tăng sức đề kháng ở mẹ bầu:

Trong giai đoạn nhạy cảm 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu có những thay đổi về nội tiết tố nên dễ gặp tình trạng mệt mỏi, khó chịu. Nguồn dinh dưỡng dồi dào từ trứng vịt lộn có thể giúp hỗ trợ sức khỏe bà mẹ, là một cách giúp tăng sức đề kháng để bà mẹ giảm bớt sự mệt mỏi trong thai kỳ.

Các lưu ý cần nhớ khi bà bầu ăn trứng vịt lộn

Dinh dưỡng từ trứng vịt lộn rất tốt nhưng bà bầu cần sử dụng theo những lưu ý dưới đây để mang lại những lợi ích tốt nhất cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

Thời điểm nào bà bầu có thể ăn trứng vịt lộn?

Bà bầu không nên ăn nhiều trứng vịt lộn vào giai đoạn đầu của thai kỳ, vì đây là giai đoạn không cần cung cấp tăng quá nhiều năng lượng so với trước khi mang thai. Trứng vịt lộn có thể gây thừa cân béo phì, tăng cholesterol máu hay dư thừa vitamin A do ăn với lượng nhiều.

Bà bầu nên ăn trứng vịt lộn vào buổi sáng vì đây là thực phẩm chứa nhiều đạm nên sẽ gây khó tiêu, đầy bụng. Nếu ăn trứng vịt lộn vào bữa tối sẽ dễ làm cho bà bầu mất ngủ, khó ngủ, khó vào giấc buổi đêm.

Bà bầu ăn trứng vịt lộn với số lượng như thế nào là phù hợp?

Bà bầu ăn trứng vịt lộn bao nhiêu thì tốt?
Bà bầu ăn trứng vịt lộn bao nhiêu thì tốt?

Mẹ bầu chỉ nên ăn trứng vịt lộn với lượng tối đa 2 quả một tuần và lưu ý không nên ăn cùng một lúc mà nên chia ra để tránh gặp tình trạng đầy bụng, khó tiêu. Bà bầu không nên lạm dụng ăn nhiều trứng vịt lộn với mục đích cho con tăng cân vì sẽ dễ gây nguy cơ tăng cholesterol máu, thừa cân béo phì, bệnh tim mạch cho mẹ hay dư thừa vitamin A ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.

Bà bầu không nên ăn kèm trứng vịt lộn với nhiều rau răm hoặc gia vị nóng

Khi ăn trứng vịt lộn, bà bầu nên hạn chế ăn kèm rau răm hoặc không ăn rau răm vì dễ gây tăng co bóp tử cung dẫn đến sảy thai hay chuyển dạ sớm sinh non.

Ngoài ra, mẹ bầu cũng không nên ăn trứng vịt lộn với nhiều gia vị nóng như ớt, gừng, tiêu, tỏi… Những gia vị này dễ gây ra tình trạng nóng trong, táo bón, đầy bụng, khó tiêu cho mẹ bầu. Khi mẹ bầu cảm thấy không khỏe cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Do đó, mẹ bầu nên lưu ý ăn kèm trứng vịt lộn với ít gia vị.

Bà bầu nên ăn trứng vịt lộn chín kỹ, không ăn sống

Trong giai đoạn mang thai, cơ thể mẹ bầu rất nhạy cảm nên cần lưu ý ưu tiên ăn chín uống sôi để đảm bảo cho sức khỏe. Bà bầu có thể tham khảo một số cách chế biến trứng vịt lộn như xào me, luộc hay nướng, hầm, lẩu…

Bà bầu gặp tình trạng không tốt về tiêu hóa cũng sẽ ảnh hưởng đến em bé trong bụng. Do đó, bà bầu nên chế biến trứng vịt lộn nấu chín kỹ, tuyệt đối không ăn sống.

Bà bầu không nên ăn trứng vịt lộn đã để qua đêm

Bà bầu không nên ăn trứng vịt lộn đã để qua đêm
Bà bầu không nên ăn trứng vịt lộn đã để qua đêm

Trứng vịt lộn đã luộc chín và để qua đêm ngoài việc không giữ được dinh dưỡng tối ưu còn dễ sinh ra vi khuẩn không tốt gây hại cho hệ tiêu hóa. Chính vì thế, sau khi chế biến, bà bầu nên ăn trứng vịt lộn ngay, không để qua đêm và các thực phẩm, món ăn khác cũng nên tương tự thực hiện như vậy.

 Ngoài ra, về vấn đề tâm linh, bà bầu cũng nên tránh ăn trứng vịt lộn vào ngày mùng một và ngày rằm. Đây là những ngày thiêng, nên bà bầu cần tránh.

Hy vọng sau khi tham khảo nội dung của bài viết trên đây, các bạn đã có những thông tin hữu ích về việc bà bầu ăn trứng vịt lộn được không và ăn ra sao để tốt nhất cho sức khỏe. Mỗi thực phẩm đều có ưu nhược điểm riêng nên cần sử dụng đúng cách, đúng lượng. Chúc các mẹ bầu luôn vui khỏe!

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên viên tư vấn Dinh dưỡng Phạm Thị Huế đã có hơn 4 năm kinh nghiệm tư vấn online - offline; theo dõi dinh dưỡng - sức khỏe - thực phẩm cho mẹ và bé.

Phạm Thị Huế