Miếng dán tránh thai: Cơ chế – Tác dụng phụ và độ Tin cậy
Miếng dán tránh thai là một trong những biện pháp tránh thai được nhiều chị em phụ nữ lựa chọn gần đây bởi an toàn, dễ sử dụng và đem lại hiệu quả tới 95%. Mỗi biện pháp tránh thai đều có công dụng, ưu nhược điểm riêng phù hợp với nhu cầu sử dụng, thể trạng của từng người. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu về cách dùng, ưu nhược điểm và cơ chế của miếng dán tránh thai nhé!
Mục lục
Miếng dán tránh thai là gì?
Miếng dán tránh thai là một miếng dán nhỏ và mỏng, kích cỡ khoảng 4,5cm2. Khi sử dụng, bạn sẽ dán trực tiếp miếng nhỏ này lên vùng da bụng, bắp tay, lưng hoặc mông.
Vậy miếng dán tránh thai có hiệu quả không? Nếu bạn tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng, miếng dán này có thể mang lại hiệu quả lên tới 95%. Khi nào muốn mang thai trở lại, bạn chỉ cần ngừng sử dụng miếng dán và sau khoảng 3 chu kỳ kinh nguyệt thì quá trình rụng trứng sẽ trở lại bình thường.
Cơ chế tác dụng của miếng dán tránh thai
Cơ chế tránh thai của miếng dán là ngăn cản sự rụng trứng, khiến tinh trùng không thể gặp trứng và thụ tinh. Miếng dán này sẽ liên tục giải phóng những estrogen và progestin, những loại hormone tương tự như hormone cơ thể sản xuất giúp ức chế quá trình rụng trứng. Từ đó ngăn chặn quá trình thụ thai một cách tự nhiên.
Ngoài ra, miếng dán này còn giúp làm đặc chất nhầy ở cổ tử cung, gây cản trở cho sự tiếp xúc giữa trứng và tinh trùng.
Ưu và nhược điểm khi sử dụng miếng dán tránh thai
Có rất nhiều thắc mắc xoay quanh việc sử dụng miếng dán tránh thai và hiệu quả của biện pháp tránh thai này. Để giải đáp cho thắc mắc dùng miếng dán tránh thai có tốt không, hãy cùng tìm hiểu ưu và nhược điểm của biện pháp này nhé!
Ưu điểm
Miếng dán tránh thai được nhiều người ưu tiên lựa chọn vì những lợi ích như:
- Rất dễ sử dụng, thao tác đơn giản & gọn lẹ.
- Không giống như viên uống tránh thai hàng ngày, miếng dán này chỉ cần thay mới hàng tuần.
- Có khả năng điều hòa nội tiết tố trong cơ thể, giúp giảm tình trạng mụn trứng cá, giảm hiện tượng đau bụng kinh hay đau nửa đầu mỗi chu kỳ kinh nguyệt.
- Các nội tiết tố trong miếng dán sẽ không hấp thụ qua dạ dày, vì thế bạn không cần lo lắng việc sử dụng miếng dán sẽ gây ra tiêu chảy, buồn nôn.
- Thoải mái hoạt động thể thao, bơi lội,.. mà không sợ miếng dán sẽ bị bong tróc.
- Hỗ trợ phụ nữ giảm nhẹ những triệu chứng trong thời kỳ tiền mãn kinh.
- Mang lại hiệu quả tránh thai cao.
Nhược điểm
Biện pháp tránh thai dù có tốt đến đâu cũng sẽ có những nhược điểm khó tránh khỏi. Dưới đây là một số nhược điểm của miếng dán tránh thai mà chị em có thể cân nhắc khi sử dụng:
- Gây ra một số kích ứng da ở vùng dán (ngứa ngáy, mẩn đỏ,…)
- Dễ dàng nhìn thấy nếu dán ở vùng bắp tay, lưng, bụng.
- Không có tác dụng phòng tránh những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Cách sử dụng miếng dán tránh thai
Để mang lại hiệu quả tốt nhất, bạn cần sử dụng miếng dán tránh thai dựa theo chu kỳ kinh nguyệt của bản thân. Thời điểm thích hợp để sử dụng là một ngày sau khi hết chu kỳ kinh nguyệt.
Đầu tiên, bạn hãy xé bao đựng miếng dán và kéo miếng dán ra ngoài, cẩn thận bóc lớp áp vào miếng dán, không để tay chạm vào bề mặt dính của miếng dán. Sau đó dán trực tiếp mặt có thuốc lên bề mặt da sạch, khô và không có lông, miết miếng dán trong khoảng 10s để giữ chặt hơn. Không bóc hoặc thay đổi vị trí, sửa miếng dán bằng bất cứ cách nào sau khi đã dán lên da.
Bạn có thể tùy ý dán vào những vị trí khác nhau sao cho thuận tiện nhất trong quá trình sinh hoạt hàng ngày. Lưu ý không nên dán vào những vùng da nhạy cảm, dễ gây kích ứng như vùng ngực, vùng da bị trầy xước. Bạn cũng không nên sử dụng mỹ phẩm (kem dưỡng, phấn trang điểm) lên vùng da sẽ dán hoặc đang dán vì có thể làm giảm sự kết dính dẫn đến giảm hiệu quả tránh thai.
Biện pháp tránh thai này sẽ được thực hiện theo chu kỳ 4 tuần (28 ngày). Nghĩa là trong khoảng thời gian 3 tuần, bạn cần thay miếng dán mỗi tuần một lần. Tới tuần thứ 4 không sử dụng miếng dán thì kinh nguyệt sẽ xảy ra. Sau tuần thứ 4 đó, bạn tiếp tục dán miếng tránh thai mới và lặp lại quy trình như trên. Nếu bạn đang thắc mắc miếng dán tránh thai có tác dụng ngày không, câu trả lời sẽ là có. Miếng dán này có tác dụng cả ngày lẫn đêm trong quá trình sử dụng.
Ở lần đầu tiên sử dụng miếng dán tránh thai, bạn cần sử dụng thêm một biện pháp tránh thai khác trong vòng 7 ngày để phòng ngừa. Những tuần tiếp theo chỉ cần sử dụng miếng dán và thay mới theo đúng quy trình. Bạn cũng không nên sử dụng đồng thời miếng dán và thuốc tránh thai.
Tác dụng phụ của miếng dán tránh thai
Rất nhiều người đều thắc mắc rằng miếng dán tránh thai có tác dụng phụ không và những tác dụng phụ đó là gì? Sau đây là một số tác dụng phụ thường gặp nhất của miếng dán tránh thai:
- Tăng nhẹ nguy cơ gây cục máu đông ở chân, phổi và tăng huyết áp.
- Có thể gây ra hiện tượng đau đầu, căng tức phần đầu ngực, chóng mặt & buồn nôn, kích ứng nhẹ ở vùng da dán.
- Gây ra hiện tượng chảy máu bất thường vùng âm đạo.
- Tăng cân nhẹ.
Những tác dụng phụ này tương đối nhẹ nhưng khi gặp phải, bạn cần ngưng sử dụng và gặp bác sĩ để nhận được lời khuyên hữu ích.
Các trường hợp không nên dùng miếng dán tránh thai
Miếng dán tránh thai có an toàn không? Câu trả lời là miếng dán tránh thai tương đối an toàn nhưng để đảm bảo nhất, bạn nên đến khám ở các cơ sở uy tín nhằm mục đích biết mình có thuộc các đối tượng chống chỉ định hay không.
Bạn không nên sử dụng miếng dán tránh thai nếu thuộc những trường hợp sau:
- Phụ nữ có thai hoặc đang nghi ngờ có thai.
- Mẹ bỉm đang cho con bú dưới 1 tuổi (đặc biệt là trong 6 tuần sau khi sinh xong).
- Phụ nữ đang mắc các bệnh béo phì, rối loạn đông máu, thuyên tắc phổi, những bệnh lý van tim,…
- Phụ nữ trên 35 tuổi, nghiện thuốc lá hoặc đang trong quá trình cai thuốc lá dưới 1 năm.
- Mắc các bệnh về gan hoặc túi mật.
- Người mắc bệnh tiểu đường, có biến chứng tiểu đường trên 20 năm.
- Đang sử dụng một số loại thuốc kháng sinh.
- Mắc bệnh ung thư vú, có tiền sử bị ung thư vú.
Miếng dán tránh thai là một biện pháp tránh thai rất hiệu quả và ngày càng được chị em phụ nữ tin tưởng sử dụng. Hy vọng những chia sẻ ở bài viết phía trên và lời giải đáp của câu hỏi miếng dán ngừa thai có tác dụng phụ không đã giúp bạn hiểu thêm về biện pháp này. Nếu gặp phải bất cứ tác dụng phụ nào, bạn cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ để được tư vấn và khắc phục hậu quả kịp thời.